Binh lực các bên Chiến_dịch_Đường_9_-_Khe_Sanh

Quân đội Nhân dân Việt Nam

Lực lượng QĐNDVN tham gia chiến dịch là:

  • Các Sư đoàn bộ binh 304, 320, 324B325 (từ tháng 5, Sư đoàn 308 và Trung đoàn 246 vào thay cho các Sư đoàn 324B và 325 đi chiến trường khác),
  • Trung đoàn 270 (Vĩnh Linh) và 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương QK4 đồn trú ở tỉnh Quảng Trị, 1 đoàn và 5 đại đội đặc công.
  • 4 trung đoàn pháo binh (16, 45, 84 và 204, sau tăng thêm trung đoàn 675). Toàn chiến dịch đã huy động 4 khẩu pháo 76mm, 8 khẩu pháo 85mm, 12 khẩu pháo 100mm, 8 khẩu pháo 105mm, 36 khẩu pháo 122mm, 16 khẩu pháo 130mm, 8 khẩu pháo 152mm, 120 ống phóng rốc-két vác vai DKB và 9 xe phóng BM-14.
  • 3 trung đoàn pháo phòng không (128, 282 và 241).
  • 1 tiểu đoàn tăng - thiết giáp (tiểu đoàn 198 thuộc Trung đoàn 203), trang bị 30 xe tăng hạng nhẹ PT-76).
  • 1 tiểu đoàn thông tin, 1 tiểu đoàn trinh sát, 1 tiểu đoàn hoá học, 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội súng phun lửa, 6 tiểu đoàn vận tải và lực lượng vũ trang các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa.

Về phương thức tác chiến, điểm nổi bật là chuyển từ tác chiến chủ yếu bằng bộ binh sang tác chiến hiệp đồng binh chủng, lần đầu tiên sử dụng nhiều loại vũ khí hạng nặng, nhất là pháo binh và xe tăng; đặc biệt là sử dụng lực lượng xe tăng bí mật, bất ngờ tiến công diệt địch.

Là chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nên ngoài lực lượng bộ binh, chiến dịch đã sử dụng 136 khẩu pháo xe kéo hoặc súng cối từ cỡ 100mm trở lên; 150 khẩu pháo cao xạ 37mm và 57mm; 30 xe tăng PT-76 và 157 xe kéo bánh xích; 821 xe ô tô. Trong giai đoạn chuẩn bị, hậu cần chiến dịch đã bảo dưỡng, sửa chữa nâng cao hệ số đảm bảo kỹ thuật sẵn sàng chiến đấu, cụ thể: Pháo mặt đất từ 87% lên 96%; pháo cao xạ từ 90% lên 98%; xe cơ giới các loại từ 74% lên 92%.

Xe tăng PT-76 số hiệu 268 từng tham gia chiến dịch (nay đặt tại tượng đài chiến thắng Làng Vây)

Việc lần đầu tiên đưa xe tăng vào tác chiến trên địa hình rừng núi là một kỳ công. Tiểu đoàn 198 xuất phát từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình ngày 15 tháng 10 năm 1967, hành quân vào Nam theo đường Hồ Chí Minh. Qua 50 ngày hành quân, chủ yếu là di chuyển ban đêm, tiểu đoàn đã đưa 30 xe tăng PT-76 đi vòng vèo qua hơn 1.000 km, qua năm con sông lớn, lội 250 ngầm, từng bị không quân Mỹ đánh vào đội hình 15 lần. Nhiều linh kiện, đạn dược của xe tăng được gùi cõng bằng những đôi chân trần của dân công, được đóng bè tre nứa vượt sông suối để bảo đảm bí mật, bất ngờ. Khi vượt sông Sê Pôn, sông Sê Păng Hiêng, mỗi lần phải vận động trên 300 người dân để làm đường ngầm cho xe vượt sông, chặt nứa kết bè vận chuyển nhu yếu phẩm, xích xe tăng. Xe tăng đi tới đâu là quân dân đi theo tới đó để xóa dấu bánh xích nhằm không để cho địch phát hiện. Hàng trăm ống tre kết thành giàn dựng phía trên xe tăng, tre rỗng ở giữa góp phần tiêu hao nhiệt lượng do máy móc phát ra khiến máy bay không thể sử dụng phương tiện hiện đại để dò. Đây là một cuộc hành trình đầy kỳ tích, diễn ra 2 tháng nhưng quân Mỹ hoàn toàn không phát hiện và bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đến cuối tháng 11, tiểu đoàn đã vào đến vị trí tập kết ở Nậm Khang, phía nam đèo Văng Mu, cách cứ điểm Huội San khoảng 70 km về phía tây. Khi chiến dịch bắt đầu, các tướng lĩnh Mỹ hoàn toàn bất ngờ khi biết quân Giải phóng có xe tăng tham chiến[27]

Đây là chiến dịch do Bộ Quốc phòng mở và trực tiếp chỉ huy, tổ chức tiến công trên hai hướng: Hướng Tây là hướng chủ yếu, hướng Đông là hướng quan trọng. Nhu cầu bảo đảm cho chiến dịch khoảng 26.700 tấn hàng các loại. Để bảo đảm kịp thời vật chất cho các lực lượng, ngay sau khi nhận lệnh, lực lượng vận tải quân sự chiến lược và Mặt trận B5 đã khẩn trương vận chuyển chuẩn bị cho Chiến dịch. Đến ngày 20/1/1968, trên hướng Tây đã tiếp nhận, dự trữ 1.631 tấn gạo, 108 tấn thực phẩm, 640 tấn đạn và 50 tấn hàng khác. Trên hướng Đông, Hậu cần Chiến dịch đã tiếp nhận, dự trữ 2.137 tấn gạo, 238 tấn thực phẩm, 2.320 tấn đạn, 300 tấn xăng dầu, 200 tấn hàng khác. Toàn Chiến dịch đã chuẩn bị được 7.624 tấn vật chất (đạt 81,1% kế hoạch), đủ khả năng bảo đảm cho các đơn vị tác chiến.

Để bảo đảm đầy đủ, kịp thời nhu cầu vật chất hậu cần, vũ khí trang bị, đạn dược cho chiến dịch, trên cả hai hướng đông và tây có từ 4 đến 6 tiểu đoàn và 11 đại đội vận tải bộ; từ 7 đến 11 đội điều trị; từ 4 đến 6 trạm sửa chữa xe kỹ thuật; 4 tiểu đoàn dân công của các tỉnh: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Tổng lực lượng làm công tác bảo đảm hậu cần lúc cao điểm lên tới 7.624 cán bộ, chiến sĩ và dân công. Đến cuối tháng 6-1968, các lực lượng vận tải đã tổ chức vận chuyển dự trữ được 22.253 tấn hàng, trong khi tiêu thụ toàn chiến dịch khoảng 15.923 tấn, chiếm khoảng 71% tổng dự trữ. Với khối lượng vật chất như vậy, bộ đội hậu cần đã đáp ứng được đầy đủ và kịp thời mọi nhu cầu vật chất hậu cần cho chiến dịch; bảo đảm tốt cho đơn vị, không vì thiếu vật chất mà chiến dịch phải tự hoãn. Quân y chiến dịch đã tăng cường khả năng phẫu thuật lên tuyến trước. Các đội điều trị đã triển khai thành 2 tuyến gồm: 3 đội tiếp cận các tiểu đoàn quân y sư đoàn; 4-8 đội triển khai ở tuyến sau tiếp tục cứu chữa thương binh. Quá trình Chiến dịch đã vận chuyển nhanh thương binh về các tuyến quân y; chữa khỏi, trả về đơn vị 6.744 thương binh, ngoài ra có 5.560 binh sĩ bị ốm (tiêu chảy, sốt rét, bệnh ngoài da, cảm sốt...) đã được cấp phát thuốc chữa trị.

Tổng cộng lực lượng trên toàn tuyến có khoảng 40.000 quân (trong quá trình chiến dịch được chi viện thêm khoảng 17.500 quân). Trong đó Sư đoàn 304 và Sư đoàn 325 (tổng cộng khoảng 17.200 quân) thực hiện bao vây Khe Sanh, còn các Sư đoàn 320 và 324 (tổng cộng khoảng 16.900 quân) thực hiện cắt Đường 9, chặn quân tiếp viện của Mỹ. Các lực lượng vũ trang địa phương, các đơn vị đặc công thực hiện đánh tập kích diệt các đoàn vận tải, tiêu hao sinh lực địch.

Trong Chiến dịch này, QĐNDVN đã sử dụng lực lượng lính bắn tỉa số lượng ít (cả mặt trận B-5 của QĐNDVN vào năm 1967 chỉ có hơn 100 lính bắn tỉa, số này còn bị hao hụt do hoạt động càn quét của Mỹ, số lượng thực tế tham chiến ở Khe Sanh chỉ khoảng chưa đến 10 người) nhưng hiệu quả cao, gây nhiều thiệt hại và sự hoang mang cho lính Mỹ. Phần lớn lực lượng này mới ngoài 20 tuổi với 03 tháng huấn luyện. Vũ khí trang bị chủ yếu là K44 có lắp kính ngắm quang học được sử dụng từ thời Thế chiến thứ hai. Tuy súng có nhược điểm là độ giật rất mạnh có thể khiến chấn thương bả vai của xạ thủ nhưng đạn có độ xuyên lớn, sức công phá mạnh.[19] Để tiêu diệt lực lượng bắn tỉa này, phía Mỹ sử dụng bom napalm để hủy diệt các ngọn đồi cỏ cao gianh. Tuy nhiên, lực lượng bắn tỉa QĐNDVN cũng đổi chiến thuật sang đào hầm ngụy trang.[28]

Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ

Lực lượng của Hoa Kỳ trong trận Khe Sanh chủ yếu thuộc Quân đoàn tác chiến thủy - bộ III Thủy quân lục chiến (III Marine Amphibious Force). Có khoảng 45.000 quân trên toàn tuyến (trong đó có 28.000 quân Mỹ), gồm 3 trung đoàn tăng cường thuộc Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 3; 4 tiểu đoàn tàu tuần tra và vận tải (5, 10, 53 và 301), 9 tiểu đoàn pháo binh, 3 tiểu đoàn và 1 đại đội cơ giới, trong quá trình phòng ngự được sự chi viện mạnh của không quân, pháo binh ở phía sau.

Riêng ở Khe Sanh, Mỹ có 3 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 26, 1 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 9 TQLC Mỹ, Sở chỉ huy tiền phương số 3 (Forward Operating Base 3) của Lục quân Hoa Kỳ với quân số 5.880 lính, 1 tiểu đoàn pháo 155 mm, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội chống tăng, Tiểu đoàn 37 Biệt động quân VNCH, 1 đội thám báo 300 lính, tổng cộng 6.680 lính.

Trung tâm radar chỉ huy của Mỹ ở Khe Sanh

Từ tháng 4 khi Mỹ mở Chiến dịch Pegasus huy động thêm Sư đoàn Không kỵ số 1 của Mỹ, Trung đoàn 1 và Trung đoàn 26 TQLC Mĩ, Chiến đoàn dù 3 VNCH cùng nhiều đơn vị Biệt động quân và bảo an, tổng cộng 20.000 quân yểm trợ bởi 300 trực thăng, 148 khẩu pháo.

Bên cạnh đó, Chiến dịch NiagaraChiến dịch Arc Light để hỗ trợ không quân cho Khe Sanh cũng thu hút một lực lượng hùng hậu: hơn 1.000 trực thăng (nhiều hơn số trực thăng chiến đấu của 3 nước Anh, Pháp, Đức cộng lại), không quân Mỹ đã xuất kích 24.000 lần chiếc kể cả máy bay chiến lược B-52, trút hơn 114.000 tấn bom các loại (gấp 7 lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima và bằng lượng bom ném xuống Nhật suốt cả năm 1945).

Bảo đảm kỹ thuật - hậu cần cho Khe Sanh, bao gồm tải thương bằng trực thăng (MediVac); và phương thức tiếp tế LAPES (Low Attiude Parachute Extraction System - thả dù ở độ cao tầm thấp) thực hiện bởi một cầu hàng không hiện đại, quy mô khổng lồ trên các máy bay vận tải C-130. Mỹ có thể đáp ứng cho Khe Sanh tới 600 tấn hàng tiếp tế/ngày (trong khi Pháp chỉ cung cấp được cho Điện Biên Phủ 100 tấn). Từ 19 đến 25 tháng 1, một hệ thống cảm biến điện tử hiện đại mang bí hiệu Muscle Shoals cũng được triển khai quanh Khe Sanh để hỗ trợ cho các hệ thống trinh sát đường không và trên bộ.

Quân đội Hoa Kỳ ở Khe Sanh được yểm trợ hỏa lực bởi những vũ khí tân kỳ nhất thời đó. Các tổ hợp radar phản pháo mới như SKY SPOT; 16 pháo tự hành "Vua Chiến trường" M107 175 mm bố trí tại Trại Carroll ở gần Cam Lộ và trận địa trên đỉnh đồi Rockpile, 18 lựu pháo 105 mm, 8 pháo 155 mm tại các căn cứ pháo binh tại Quảng Trị, pháo yểm trợ tầm trung từ trận địa bắc đèo Hải Vân… Được đặc biệt tin tưởng còn có đạn pháo 105 mm COFAM (Combined Ordinance Fragmentary Antipersonnel Munition) nổ từng tràng trên cao, văng vô vàn mảnh bao phủ một tầm sát thương rộng lớn, giống như bom bi; cũng như đạn pháo "tổ ong" (flechettes), khi nổ bắn ra muôn vàn mũi tên thép trong một hình nón 30 độ, rất hữu hiệu chống bộ binh…

Phía Mỹ cũng sử dụng chiến tranh tâm lý ở Khe Sanh với các hoạt động chiêu hồi, rải truyền đơn với hình ảnh một bữa cơm gia đình và có một dấu hỏi hàm ý thiếu ai trong bữa cơm đó để gây nỗi nhớ nhà cho người lính Quân Giải phóng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Đường_9_-_Khe_Sanh http://www.historynet.com/battle-of-khe-sanh-recou... http://www.historynet.com/the-withdrawal-from-khe-... http://www.historynet.com/the-withdrawal-from-khe-... http://www.historynet.com/wars_conflicts/vietnam_w... http://www.presidentprofiles.com/Kennedy-Bush/Lynd... http://www.library.vanderbilt.edu/central/Brush/Kh... http://www.khesanh.org/40th/feb-68.html http://www.pbs.org/battlefieldvietnam/timeline/ind... http://www.vva.org/veteran/0807/khesanh.html http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008...